Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào ngày 23-09-2021. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong quá trình hiện thực hóa trục giao thông quan trọng bậc nhất trong kết nối vùng Đông Nam bộ.
Chính thức khởi động sau hơn 10 năm chờ đợi
Ban Quản lý dự án 85, đơn vị được Bộ GT-VT giao nhiệm vụ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và một số công tác khác liên quan đến dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã chính thức công bố thông tin về dự án theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9 vừa qua.
Theo quyết định chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km, có hướng tuyến chạy song song với quốc lộ 51; trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 19,5km, đoạn qua Đồng Nai 34,2km. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa, điểm cuối giao với tuyến tránh TP.Bà Rịa (quốc lộ 56, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Về quy mô dự kiến đầu tư cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đoạn từ TP.Biên Hòa – H.Long Thành (nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) và đoạn từ xã Tân Hiệp (H.Long Thành) đến quốc lộ 56 sẽ có 4 làn xe cao tốc, riêng đoạn Long Thành – Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) có 6 làn xe cao tốc.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, quy hoạch tuyến cao tốc này quy mô từ 6 đến 8 làn xe theo từng đoạn tuyến. Cụ thể, đoạn từ điểm đầu dự án qua Biên Hòa đến nút giao Long Thành có quy mô 6 làn xe; đoạn từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp 8 làn xe; đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án 6 làn xe.
Dự kiến dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021-2026. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 19,6 ngàn tỷ đồng, gồm phần vốn của nhà đầu tư khoảng 13 ngàn tỷ đồng, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Như vậy, với việc Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chính thức được khởi động sau hơn 10 năm “nằm trên giấy”.
Trước đó, từ năm 2008, Bộ GT-VT đã cho phép chuẩn bị đầu tư dự án này. 2 năm sau, Bộ GT-VT đã phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Trên cơ sở đó, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã thực hiện các bước chuẩn bị dự án đầu tư. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư dự án lớn, chưa thu xếp được nguồn vốn nên Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có văn bản xin rút, không tiếp tục nghiên cứu đầu tư. Do vậy, dự án phải được tiến hành nghiên cứu đề xuất lại phương án đầu tư.
Trục giao thông kết nối vùng quan trọng
TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là vùng tam giác phát triển bậc nhất của cả nước. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông kết nối còn hạn chế đang được xem là một trong những trở lực lớn, hạn chế tiềm năng phát triển của khu vực này.
Hiện nay, quốc lộ 51 là tuyến giao thông chính đóng vai trò kết nối của vùng tam giác phát triển này. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm được đầu tư xây dựng mở rộng, quốc lộ 51 đã rơi vào tình trạng quá tải và xuống cấp.
Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) cho biết, theo công suất thiết kế ban đầu, quốc lộ 51 có công suất 12 ngàn lượt xe/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay công suất trung bình đã tăng lên khoảng 32 ngàn lượt xe/ngày đêm.
“Vào giờ cao điểm, phương tiện lưu thông trên tuyến lên đến 48 ngàn lượt xe/ngày đêm. Bình quân công suất hiện nay đã gấp 3 lần công suất thiết kế nên thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Trước đây chỉ kẹt xe vào những ngày lễ, ngày cuối tuần thì hiện nay ngày thường cũng kẹt xe” – ông Đinh Hồng Hà cho biết.
Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua các nút giao
Chính vì vậy, theo ông Đinh Hồng Hà, để chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho quốc lộ 51 cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển các khu công nghiệp và cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành trong tương lai, các tuyến giao thông kết nối mới theo quy hoạch, trong đó có đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cần phải được xây dựng sớm.
Theo quy hoạch, cuối năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Sân bay Long Thành và cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải chính là những trung tâm phát triển chính của ngành hàng không và cảng biển của cả nước trong tương lai. Vì vậy, tầm quan trọng của đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ càng trở nên lớn hơn, bởi đây chính là tuyến kết nối chính của những dự án đóng vai trò tạo sự đột phá phát triển về kinh tế – xã hội của khu vực Đông Nam bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng cho rằng, quốc lộ 51 hiện đã thực sự trở nên quá tải. Do đó, cần nhanh chóng thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu để giải quyết nhu cầu giao thông. Đặc biệt là khi dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.
Theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51.
Hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM – Vũng Tàu, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.